Công giáo, Chính thống giáo và Anh giáo Giám_mục

Trong khi nhiều giáo hội thuộc cộng đồng Kháng Cách bác bỏ vị trí của Giám mục trong cấu trúc lãnh đạo giáo hội, một số giáo hội bắt rễ sâu trong truyền thống vẫn duy trì việc tấn phong Giám mục để lãnh đạo giáo hội. Giám mục thủ giữ vai trò lãnh đạo trong các giáo hội Công giáo Rôma, Chính thống giáo Đông phương, Chính thống giáo Cựu Đông phương, Cảnh giáo, Cộng đồng Anh giáo và các Giáo hội Công giáo Độc lập (trong đó có Công giáo Cổ).

Vai trò truyền thống của Giám mục là người chăn dắt hay mục tử (pastor) cho một giáo phận. Các giáo phận khác nhau đáng kể về diện tích và dân số. Một số giáo phận lâu đời quanh Địa Trung Hải tương đối nhỏ hẹp, trong khi các giáo phận mới phát triển như khu vực Hạ SaharaPhi châu, Nam Mỹ và vùng Viễn Đông, rộng lớn và đông giáo dân hơn[cần dẫn nguồn].

Thượng phụ

Thượng phụ (Patriarch) là người đứng đầu một giáo hội độc lập nhất định nào đó, có thể bao gồm nhiều giáo tỉnh hợp lại. Trong một thời gian dài ban đầu chỉ có 5 Tòa Thượng phụ cổ là: Roma, Constantinopolis, Alexandria, AntiochiaJerusalem. Một số vị Thượng phụ (đặc biệt là trong truyền thống Armenia và Lưỡng Hà - Ba Tư) cũng được gọi là Catholicos (số nhiều: Catholicoi). Thượng phụ Chính thống giáo Copt thành Alexandria, Ai Cập cũng mang tước vị là Papa (nghĩa gốc là "cha").

Giáo trưởng

Giáo trưởng (Primate) thường là Giám mục của giáo phận lâu đời nhất tại một quốc gia. Đôi khi, chức danh này có quyền hạn cao hơn Giám mục đô thành, nhưng thường chỉ là một chức vụ danh dự. Danh hiệu Giám mục chủ tịch (Presiding bishop) dành cho người đứng đầu giáo hội Anh giáo tại một quốc gia nhưng không luôn luôn ràng buộc với một Tòa Giám mục nhất định nào đó như tước vị Giáo trưởng.

Giám mục đô thành

Đô thành trưởng (Metropolitan) hay (Tổng) Giám mục đô thành là Giám mục của một Đô thành (Metropolis) - là thành phố có ý nghĩa quan trọng trong Giáo tỉnh (ecclesiastical province là khu vực bao gồm (tổng) giáo phận đô thành đó và các giáo phận lân cận). Trong Giáo hội Công giáo Rôma, đô thành trưởng luôn là Tổng Giám mục và có một số thẩm quyền nhất định trong việc cai quản giáo tỉnh.

Tổng Giám mục

Tổng Giám mục (Archbishop) là vị Giám mục của một Tổng giáo phận, đây thường là giáo phận có vị trí quan trọng trong lịch sử giáo hội tại địa phương. Tổng Giám mục có thể là chính tòa hoặc hiệu tòa. Trong Giáo hội Công giáo Rôma, cho dù hầu hết các Tổng Giám mục là đô thành trưởng nhưng bản thân chức danh Tổng Giám mục thì thuần túy chỉ có tính danh dự và không mang thêm thẩm quyền hành xử nào khác. Ngược lại, trong Cộng đồng Anh giáo, Tổng Giám mục là một chức vụ có thẩm quyền đặc biệt.

Giám mục chính tòa

Giám mục chính tòa (Diocesan bishop) đảm nhận trách nhiệm chính coi sóc một Giáo hội riêng biệt địa phương, hay Giáo phận.

Giám mục Hiệu toà

Giám mục Hiệu toà (Titular bishop) là Giám mục không có giáo phận. Chính xác hơn, vị Giám mục này đứng đầu một giáo phận chỉ có trên danh nghĩa (titular see), thường là một thành phố cổ đã từng có tòa Giám mục, vì lý do nào đó nay không còn. Giám mục hiệu toà thường thực hiện nhiệm vụ là một Giám mục phụ tá. Trong Công giáo Rôma, Giám mục hiệu tòa nếu không là Giám mục phụ tá thì thường là sứ thần Tòa thánh hoặc người đứng đầu một cơ quan trong Giáo triều. Trong Giáo hội Chính thống Đông phương thuộc quyền Thượng phụ Đại kết Constantinopolis, Giám mục của một giáo phận mới thiết lập thường mang thêm tước vị hiệu tòa bên cạnh tước vị chính của tòa mới đó (ví dụ Tổng Giám mục Thyateira và Anh quốc, trong đó Thyateira là tên tòa thời cổ còn Anh quốc mới là phạm vi thực của giáo phận).

Giám mục Phó

Giám mục Phó (Coadjutor bishop) có quyền kế vị Giám mục chính tòa đương nhiệm nếu vị này mãn nhiệm (về hưu, thuyên chuyển nhiệm vụ hoặc qua đời). Việc bổ nhiệm chức danh này nhằm mục đích bảo đảm sự liên tục trong cơ cấu lãnh đạo giáo hội.

Giám mục Phụ tá

Giám mục Phụ tá (Auxiliary bishop) là người phụ tá cho Giám mục chính tòa của giáo phận, không nhất thiết là sẽ kế vị chức Giám mục chính tòa. Tất cả Giám mục phụ tá đều là Giám mục hiệu toà, thường được bổ nhiệm làm tổng đại diện (vicar general) giáo phận.

Giám mục Phụ cận

Giám mục Phụ cận (Suffragan bishop) trong Giáo hội Công giáo Rôma là Giám mục dưới quyền Tổng Giám mục đô thành trong một vài vấn đề nhất định, chức danh này dành cho tất cả các Giám mục chính tòa, phó và phụ tá trong giáo tỉnh của vị đô thành trưởng đó. Cộng đồng Anh giáo lại có cách sử dụng khác: chức danh này được áp dụng cho những người trợ tá Giám mục chính tòa, ví dụ Giám mục Fulham, Giám mục Edmonton và 3 vị trí Giám mục khác là các Giám mục phụ cận đối với Giám mục (chính tòa) London, thuộc cùng giáo phận London. Giám mục phụ cận của Anh giáo thường được giao nhiệm vụ cai quản một khu vực nào đó trong giáo phận (ví dụ trường hợp Giám mục Edmonton và 3 Giám mục khác đã nhắc tới ở trên) hoặc đóng vai trò trợ tá cho Giám mục chính tòa trên phạm vi toàn địa phận (trường hợp Giám mục Fulham) - trường hợp sau tương tự như chức Giám mục phụ tá trong Công giáo và Chính thống giáo.

Hồng y

Hồng y (Cardinal), thường nhưng không nhất thiết phải là Giám mục (ví dụ như hai nhà thần học - linh mục Dòng Tên Henri de LubacAvery Dulles), là thành viên của Hồng y đoàn, trong đó những vị dưới 80 tuổi có quyền bầu Giáo hoàng trong Mật nghị Hồng y của Giáo hội Công giáo.

Theo thể chế Giám mục, chỉ có Giám mục mới có quyền tấn phong Giám mục, linh mục hoặc chấp sự (deacon).

Giám mục được tấn phong bởi các Giám mục khác, tuỳ theo mỗi giáo hội, có thể cần có hai hoặc ba Giám mục tham gia lễ tấn phong. Theo giáo lý Công giáo Rôma, mỗi Giám mục đều có quyền tấn phong Giám mục cho linh mục khi được Giáo hoàng cho phép, ngoài ra, bất cứ sự tấn phong Giám mục nào không được Giáo hoàng phê chuần thì cả người được tấn phong và vị Giám mục chủ phong đều bị vạ tuyệt thông tiền kết.

Có những cách khác nhau trong các giáo hội để chọn ứng viên cho chức Giám mục. Trong Giáo hội Công giáo Rôma ngày nay, Bộ Giám mục (Congregation for Bishops) xem xét việc tuyển chọn tân Giám mục để Giáo hoàng phê chuẩn. Trong hầu hết các giáo hội Chính Thống, tín hữu và linh mục được phép có tiếng nói, theo các mức độ khác nhau, về tiến trình tuyển chọn Giám mục.

Giáo hoàng, ngoài chức danh Giám mục Rôma và là lãnh tụ Giáo hội Công giáo Rôma, còn là Thượng phụ Giáo hội Latin. Các Giám mục Giáo hội Latin chỉ chịu trách nhiệm trước Giáo hoàng, không phải với các Giám mục khác ngoại trừ Tổng Giám mục đô thành là cấp trên trực tiếp của họ.

Giám mục Công giáo, Anh giáo và Chính thống giáo tuyên xưng họ là một phần trong chuỗi liên tục các Giám mục được tấn phong kể từ thời kỳ các tông đồ, đó là quyền kế thừa tông đồ (apostolic succession). Chiếu theo chỉ dụ Apostolicae Curae năm 1896 của Giáo hoàng Leo XIII, Giáo hội Công giáo Rôma cho rằng hệ thống chức sắc Anh giáo là không xứng hiệp vì giáo hội này đã thay đổi nghi lễ tấn phong.

Trong những thập niên gần đây, một số giáo phận thuộc Cộng đồng Anh giáo khởi sự tấn phong nữ Giám mục. Nữ Giám mục Anh giáo đầu tiên là Barbara Clementine Harris, được tấn phong năm 1989.